Quá trình thực hiện hòa ước Hòa ước Brest-Litovsk

Ngày 15 tháng 3 năm 1918, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ IV phê chuẩn Hòa ước Brest-Litovsk.

Hòa ước đã mở ra cơ hội chiến thắng cho Đức trong cuộc thế chiến bằng việc giải phóng hơn một triệu lính Đức từ mặt trận phía Đông sang Mặt trận phía Tây và loại bỏ được một nguồn cung cấp lương thực, nhiên liệu và cơ sở công nghiệp quan trọng của các nước Đồng minh Tây Âu [6][7]. Các cường quốc phe Hiệp ước coi bản Hòa ước này là một sự phản bội của nước Nga, đây cũng là một trong những lý do khiến họ quyết định can thiệp vào cuộc Nội chiến Nga không lâu sau đó để hỗ trợ cho những người Bạch vệ Nga chống lại chính quyền Bolshevik [8].

Đánh giá về bản Hòa ước Brest-Litovsk, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng những người Bolshevik đã phản bội lợi ích của dân tộc khi ký hòa ước rút khỏi cuộc chiến, khiến Nga phải cắt một phần lãnh thổ cho Đức mặc dù chính Đức mới là nước đang đứng trước nguy cơ thua cuộc vào lúc đó[9]. Đây được xem là thời điểm tệ nhất của lịch sử Nga trong vòng 200 năm, song với một đất nước bị tàn phá thì Lenin không còn cách nào khác ngoài việc chấp nhận những điều khoản bất lợi của hiệp ước này[10]

Tuy nước Nga phải gánh chịu những điều khoản nặng nề, song đây là điều nằm trong dự tính của Lenin. Ông dự đoán rằng hòa ước khó có thể tồn tại lâu vì Đế quốc Đức đang sắp sụp đổ, khi Đế quốc Đức đã sụp đổ thì Hòa ước sẽ trở nên vô hiệu, và thực tế đúng như vậy. Tháng 11 năm 1918, cách mạng bùng nổ ở Đức, Đức hoàng (Kaiser) Wilhelm II thoái vị và chạy trốn sang Hà Lan, Đế quốc Đức sụp đổ. Với việc Đế quốc Đức sụp đổ, Hòa ước Brest-Litovsk trở nên vô hiệu. Quân đội Đức buộc phải rút lực lượng chiếm đóng khỏi các vùng đất mà họ đã giành được trong hòa ước Brest-Litovsk. Phần lớn Ukraine về sau được sáp nhập trở lại Liên Xô, tuy nhiên Phần Lan, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic đã nổi lên trở thành những quốc gia độc lập. Một cuộc chiến tranh giữa Ba Lan và nước Nga Xô viết đã bùng nổ vào năm 1919 và kéo dài 2 năm, với kết cục là thất bại của Nga và miền Tây Ucraina đã bị Ba Lan đánh chiếm.

Trong Hiệp ước Rapallo ký kết vào tháng 4 năm 1922, Đức đã chính thức thừa nhận sự vô hiệu lực của Hòa ước Bresst-Litovsk và hai cường quốc đã đồng ý với nhau về việc từ bỏ tất cả các yêu sách về tài chính và lãnh thổ liên quan đến cuộc chiến tranh. Tình trạng này kéo dài đến năm 1939. Sau khi ký Hiệp ước Molotov-Ribbentrop với Đức Quốc xã, Liên Xô đã đem quân tấn công Ba Lan vào tháng 9 năm 1939 để chiếm lại Tây Ucraina, và chiếm một phần lãnh thổ của Phần Lan vào tháng 11 năm 1939, không lâu sau đó Liên Xô đã sáp nhập các nước vùng Baltic, Tây Ucraina và Bessarabia trở lại lãnh thổ của mình vào năm 1940. Những hành động quân sự này đã giúp Liên Xô khôi phục lại hầu hết các vùng lãnh thổ bị mất trong Hòa ước Brest-Litovsk, ngoại trừ một phần lớn lãnh thổ của Phần Lan, cùng với tây Ba Lan và tây Armenia.